28/09/2011 10:58:36 CH
Làng đại học Thủ Đức là nơi đào tạo đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước cũng như của khu vực miền ...
Muôn nẻo ẩm thực sinh viên
Làng đại học Thủ Đức là nơi đào tạo đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước cũng như của khu vực miền Nam. Nơi đây tập trung nhiều trường đại học với số lượng sinh viên rất lớn. Chính sự đông đảo sinh viên, đã kéo theo nhiều loại hình dịch vụ phát triển, trong đó có ẩm thực.

Một góc Làng đại học
Đa dạng món ăn sinh viên
Chuyện ăn uống của sinh viên là một bài toán với nhiều lời giải khác khác nhau. Bởi lẽ chuyện ẩm thực của họ có muôn hình vạn trạng để đề cập. Từ chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, đến những món ăn dân dã bình dị đã gắn bó với thương hiệu sinh viên.
Chuyện ăn, chuyện uống vốn đã là cả một vấn đề thú vị và hấp dẫn. Chuyện ăn uống của sinh viên tuy có vẻ đạm bạc nhưng cũng có những nét riêng và tiêu biểu. Sinh viên mang hơi hướng của tuổi trẻ nên chuyện ẩm thực lại dễ hòa nhập và có sự lai tạo. Từ giản đơn, truyền thống cho đến những biến tấu, ngoại lai đều được tiếp nhận một cách nhanh chóng.
Dạo bước quanh Làng đại học mới thấy hết sự đa dạng, thú vị của chuyện ẩm thực tại đây. Trước tiên, phải kể đến các loại nước uống quen thuộc của sinh viên như cà phê bụi, nước mía, trà sữa, sinh tố... Ngoài ra, đồ uống còn có bia, rượu. Chúng xuất hiện các buổi tiệc họp mặt, sinh nhật, khao.... Rượu rất đa dạng như: Rượu nếp, rượu đế, Bàu Đá, rượu cần, rượu gạo, rượu Gò Đen, rượu Sim, các loại rượu thuốc… hay Cognac, Whisky, Vodka, rượu Vang và rượu Champagne, Rum… Bia cũng đa dạng không kém nào là Đại Việt, Heineken, Tiger, Carlsberg (bia hơi), Foster, Laser, Saigon xanh, Saigon đỏ, 333… Thế mới thấy, các loại thức uống của sinh viên đâu kém cạnh các giới khác.
Tại đây, tập trung nhiều quán cơm với đầy đủ các món xào, kho, chiên, luộc, nướng, hấp với cơm, canh, rau, cá, thịt… mỗi một phần ăn giành cho một người có thể từ 10.000 – 15.000 đồng với rau sống và canh miễn phí.
Quán nhậu với các món lẩu như lẩu hải sản, lẩu sa tế, lẩu dê, lẩu bò, lẩu thập cẩm, lẩu cá các loại, lẩu mắm, lẩu thái, lẩu rau… các món lẩu này giá cả cũng từ 50.000 – 100.000 đồng một món. Một số món đi kèm như món gỏi, xào, món quay, các món khô, các món trăn, rắn, lươn, ếch, chuột, thịt cầy, tiểu hổ, trứng luộc, ốc luộc… giá giao động từ 20.000 – 70.000 đồng cho mỗi món.
Một số món ăn chơi hay lót dạ như tàu hủ (nóng và lạnh), kem, cốc tai, bò bía, súp cua, cá viên chiên, bò viên, chả lụi. Hàng xôi với xôi dứa, đậu xanh, xôi khúc… Các loại chè như thập cẩm, đậu xanh, chè bắp, chè khoai… Các món luộc, nướng như khoai lang, khoai mì, bắp ngô. Ngoài ra còn có món bánh với bánh bao, bánh mì, bánh tráng trứng nướng, bánh khoai nướng, bánh chuối nướng, bánh đúc, bánh tôm, bánh dày, bánh xèo, bánh khoái, bánh tráng trộn… Các món phở, hủ tiếu, nui, bánh canh, bò kho, bún riêu, canh bún. Các món cháo lòng, cháo gà, cháo vịt… mỗi món ăn cũng rất rẻ, giá chỉ độ từ 4000 – 15.000 đồng. Các loại trái cây nơi đây với nhiều loại vừa tươi ngon, bổ, rẻ cũng hội tụ và tập trung từ nhiều nơi cung cấp thường xuyên cho những “tâm hồn ăn uống”.
Làng đại học là nơi tập trung sinh viên từ mọi miền đất nước cho nên các đặc sản vùng miền cũng nối gót về đây hội tụ. Nhiều món được bày bán như: bún bò Huế, phở Hàng Đồng Nam Định, bánh ít lá gai Bình Định, bún chả cá Nha Trang… Ngoài ra, một “đặc sản” gắn liền với thương hiệu sinh viên chính là mỳ gói. Chúng được sinh viên dùng trong mọi bữa, từ bữa chính đến bữa phụ, từ ăn sáng, trưa, xế, chiều, tối, khuya. Mỳ gói đồng hành cùng nhiều bạn sinh viên trong suốt chặng đường học hành thi cử căng thẳng đến những ngày tháng thiều thốn vì cha mẹ ngoài quê chưa kịp gửi tiền. Từ mỳ gói có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xào, nấu canh đến ăn sống…

Đến các tụ điểm ăn uống
Các món ăn sinh viên được bày bán tại các quán ăn bên đường, nhưng nhiều nhất là bán trên các loại xe tự chế, di chuyển dễ dàng, tiện lợi. Một số khác thì được quảy ghánh len lỏi trong các con đường nhỏ hẹp (chẳng hạn như tàu hủ). Các quán lề đường cũng chỉ cần vài ba cái bàn và dăm cái ghế là có thể bày bán xôm tụ. Chủ hàng quán chủ yếu là người dân địa phương nhưng nhiều khi cũng là những cô cậu sinh viên hùn vốn lập quán buôn bán vừa kiếm thêm thu nhập trang trải chuyện học tập và sinh hoạt, vừa thỏa chí kinh doanh.

Nơi tập trung các tụ điểm ăn uống đông nhất, sôi động nhất có thể kể đến là khu vực Ký túc xá ĐHQG TP.HCM, khu vực ngã ba trường ĐH Khoa học Tự nhiên đến ĐH KHXH&NV vòng qua nhà điều hành ĐHQG và kéo dài đến bến xe buýt mới. Các quán ăn nằm san sát lẫn nhau với những biển quảng cáo hấp dẫn người thưởng thức nhưng đôi khi cũng chẳng cần biển hàng. Để thu hút khách hàng, các quán hàng ăn uống thường nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ. Một số nơi gắn mạng Wifi, truyền hình, âm nhạc, gắn hệ thống phun sương tạo mát… Tạo cảm giác mới lạ nhiều quán phục vụ theo hình thức Nhật Bản – tức là ngồi sàn (quỳ) chứ không ngồi ghế đồng thời còn phục vụ việc đọc sách miễn phí, những ngày cuối tuần có các cuộc giao lưu, hát với nhau. Vào những ngày lễ có những chương trình khuyến mãi với giá ưu đãi nhằm thu hút số lượng khách hàng.
Nhịp sống ẩm thực sinh viên diễn ra rất nhộn nhịp và sôi động qua từng ngày. Thời gian bắt đầu từ 05 giờ sáng cho đến tận lúc nửa đêm. Các tụ điểm ẩm thực lúc nào cũng nhộn nhịp sinh viên.
Các vấn đề cần quan tâm…
Đối với chuyện ẩm thực của sinh viên Làng đại học Thủ Đức chúng tôi nhận thấy có thể xây dựng và tổ chức, nâng cấp thành một khu vực, một tụ điểm ẩm thực độc đáo mang sắc thái riêng biệt của sinh viên. Điều này sẽ có nhiều khó khăn với những ý kiến trái ngược, và nếu đề xuất trên được chấp nhận đi chăng nữa thì có lẽ sẽ cần một phương hướng, một giải pháp lâu dài và dày công. Song chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào một Làng đại học tiến tiến trong khu vực về trình độ học vấn cũng như đậm đà phong cách sinh viên.
Một điều nữa mà chúng tôi muốn đề cập đó chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuyện ăn uống của sinh viên là điều rất cần sự quan tâm của chính quyền cũng như các trường đại học nơi đây. Bởi lẽ có thực mới vực được đạo mà nếu có vấn đề phát sinh từ chuyện ăn uống sẽ ảnh hưởng trước tiên đến sức khỏe và sau là đến chuyện học hành, nếu nghiêm trọng hơn có thể gây hoang mang cho sinh viên.
Có thể nói, vấn đề vệ sinh thực phẩm tại đây hết sức phức tạp và làm khó các cơ quan chức năng. Ngoài việc thiếu nhân lực trong hoạt động thanh, kiểm tra; nhận thức chưa tốt cũng như thiếu hiểu biết về vấn đề vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy mà các ban ngành đoàn thể có trách nhiệm cùng với nhà trường, người dân và sinh viên, nhằm chung tay góp sức đẩy lui tình hình mất vệ sinh. Riêng đối với sinh viên cần tự giác nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để tự vệ với vấn nạn an toàn thực phẩm. Đó là phương pháp tốt và hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình vậy!
Như Bình
